Đất Bảo Lộc: “Mục đích sử dụng đất được ghi rõ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có mã ký hiệu tương ứng với từng loại đất cụ thể. Mục đích sử dụng đất là căn cứ để Nhà nước phân loại đất đai.”
Mục đích sử dụng đất là gì?
Mục đích sử dụng đất là tên gọi pháp lý mà thông qua đó người dân biết đất được sử dụng vào mục đích gì và người sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đúng mục đích đất được giao ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất (cấp Sổ đỏ, Sổ hồng cho đất không có nguồn gốc từ Nhà nước giao đất, cho thuê đất).
Mục đích sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như: “Đất chuyên trồng lúa nước”, “Đất trồng lúa nước còn lại”, “Đất trồng lúa nương”, “Đất trồng cây hàng năm khác”, “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị”,…
Mục đích sử dụng ghi trên Sổ đỏ như thế nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mục đích sử dụng đất được ghi bằng tên gọi cụ thể của các loại đất như sau:
Nhóm đất | Tên mục đích sử dụng |
Nhóm đất nông nghiệp | Gồm: “Đất chuyên trồng lúa nước”, “Đất trồng lúa nước còn lại”, “Đất trồng lúa nương”, “Đất trồng cây hàng năm khác”, “Đất trồng cây lâu năm”, “Đất rừng sản xuất”, “Đất rừng phòng hộ”, “Đất rừng đặc dụng”, “Đất nuôi trồng thủy sản”, “Đất làm muối”, “Đất nông nghiệp khác”. |
Nhóm đất phi nông nghiệp | Gồm: “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị”, “Đất xây dựng trụ sở cơ quan”, “Đất quốc phòng”, “Đất an ninh”, “Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp”, “Đất xây dựng cơ sở văn hóa”, “Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội”, “Đất xây dựng cơ sở y tế”, “Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo”, “Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao”, “Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ”, “Đất xây dựng cơ sở ngoại giao”, “Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác”, “Đất khu công nghiệp”,”Đất cụm công nghiệp”, “Đất khu chế xuất”, “Đất thương mại, dịch vụ”, “Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”, “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”, “Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm”, “Đất giao thông”, “Đất thủy lợi”, “Đất có di tích lịch sử – văn hóa”, “Đất có danh lam thắng cảnh”, “Đất sinh hoạt cộng đồng”, “Đất khu vui chơi, giải trí công cộng”,”Đất công trình năng lượng”, “Đất công trình bưu chính, viễn thông”, “Đất chợ”, “Đất bãi thải, xử lý chất thải”, “Đất công trình công cộng khác”, “Đất cơ sở tôn giáo”, “Đất cơ sở tín ngưỡng”, “Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa” hoặc “Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà hỏa táng” hoặc “Đất làm nhà hỏa táng” hoặc “Đất làm nhà tang lễ”, “Đất có mặt nước chuyên dùng”, “Đất phi nông nghiệp khác”. |
Lưu ý:
– Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho một người sử dụng đất vào nhiều mục đích thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó.
Trường hợp thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích mà trong đó đã xác định mục đích chính, mục đích phụ thì tiếp sau mục đích chính phải ghi “(là chính)”;
– Thửa đất có nhiều người cùng sử dụng, có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, trong đó mỗi người sử dụng đất vào một mục đích nhất định thì Giấy chứng nhận cấp cho từng người phải ghi mục đích sử dụng đất của người đó và ghi chú thích “thửa đất còn sử dụng vào mục đích… (ghi mục đích sử dụng đất khác còn lại) của người khác” vào điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận.
– Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “Đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo.
Vì sao cần phải biết rõ mục đích sử dụng đất?
Mục đích sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ giúp cơ quan nhà nước quản lý đất đai mà còn giúp người dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Dưới đây là một số quy định giúp người dân hiểu được ý nghĩa của mục đích sử dụng đất.
1. Giúp người dân biết và sử dụng đúng mục đích
Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng mục đích, nên người dân cần phải căn cứ vào loại đất (mục đích sử dụng) để sử dụng theo đúng quy định, nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Ví dụ: Chỉ được xây dựng nhà ở trên đất ở, không được xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác.
2. Giúp người dân biết nghĩa vụ khi chuyển mục đích sử dụng đất
Việc nắm rõ mục đích sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng khi chuyển mục đích sử dụng đất, vì người dân biết khi nào phải xin phép/khi nào không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:
* Những trường hợp muốn chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
– Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
– Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
– Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
– Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
* Những trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng không phải xin phép
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
– Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
– Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
– Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
– Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
3. Giúp người dân biết được thời hạn sử dụng đất
Thời hạn sử dụng đất gồm 02 loại: Đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.
Việc nắm rõ mục đích sử dụng đất giúp người dân biết đất mà mình đang sử dụng là có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài hay có thời hạn nhất định. Nếu đất sử dụng ổn định lâu dài như đất ở, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên,… thì người dân không cần quan tâm đến việc gia hạn; đất sử dụng có thời hạn trong một số trường hợp nếu có nhu cầu gia hạn thì phải nộp hồ sơ gia hạn trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 06 tháng.
Ngoài ra, mục đích sử dụng còn ảnh hưởng trực tiếp đến thuế sử dụng đất, chính sách bồi thường khi thu hồi đất,…
Lâm Đồng Real – nơi luôn chọn lọc và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm bất động sản có giá trị cao. Cùng với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, am hiểu thị trường và nhiệt huyết, luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng tìm hiểu thông tin chi tiết về đất Bảo Lộc hoặc đi tham quan trực tiếp, thực tế để tìm mua được sản phẩm phù hợp với nhu cầu.